Hôm nay, tôi và các bạn sẽ tìm hiểu về Google Tag Manager với những cái nhìn tổng quan từ việc bắt đầu sử dụng nó như thế nào.
Bạn có thấy mệt mỏi khi yêu cầu người code web của bạn phải thêm code, snippets, pixels hoặc scripts vào trang web của bạn để có thể theo dõi tiếp thị lại, tỷ lệ chuyển đổi,... và nhiều hơn thế. Google Tag Manager (viết tắt là GTM, đây là ứng dụng trình quản lý thẻ do Google phát triển) cho phép bạn thêm hoặc cập nhật Tags mà không phải làm phiền đến người phát triển website của bạn.
Google Tag Manager giúp bạn quản lý các thẻ Tag và kích hoạt chúng. Bạn cần phải học tập một chút kỹ năng để có thể sử dụng được Google Tag Manager, tuy nhiên sau khi đã hiểu được những điều cơ bản, bạn sẽ nhận ra bạn không thể thiếu nó. Đặc biệt, nếu bạn đang làm SEO và không biết nhiều về codes như tôi, bạn cũng đừng lo lắng gì cả, bởi ngay bây giờ tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách vượt qua nhược điểm này!
Sử dụng mã theo dõi sẽ giúp bạn đo lường kết quả của chiến dịch tiếp thị - về cơ bản, bạn sẽ có thể thống kê được kết quả mà các nỗ lực tiếp thị kỹ thuật số của bạn đang thực hiện. Với GTM bạn có thể quản lý các chiến dịch tiếp cận khách hàng mà không cần đăng nhập admin quản trị website.
Google Tag Manager là một chủ đề lớn, do đó tôi sẽ viết thêm nhiều bài khác nữa hướng dẫn các bạn còn bài viết hôm nay sẽ chỉ nói về những vấn đề cơ bản nhất.
Tag là gì?
Tag là một đoạn mã theo dõi và gửi thông tin về các hoạt động trên trang web của bạn tới các bên thứ ba (chẳng hạn như Google). Bạn có thể sử dụng các thẻ Tag để theo dõi chuyển đổi hoặc lưu lượng truy cập vào một trang web cụ thể.
Trước đây, nếu bạn muốn thêm thẻ Tag vào trang web của mình, bạn phải tự thêm các đoạn code này vào mã nguồn của các trang web của mình. Để thực hiện được điều này bạn cần sự trợ giúp từ người code website của bạn, do đó nó có thể làm trì hoãn thời gian đi nhiều.
Với Google tag Manager bạn có thể thêm một đoạn code Tag bất kỳ mà không cần biết gì về code. Đoạn mã này xử lý việc triển khai và thực hiện tất cả các thẻ Tag của bạn trên trang web. Bạn chỉ cần thêm, cập nhật và quản lý các Tag bạn muốn sử dụng trong giao diện của Google Tag Manager.
Bắt đầu với Google Tag Manager:
Để bắt đầu sử dụng GTM bạn cần đăng nhập vào Google Tag Manager. Hơi khó khăn với chúng ta một chút đó là GTM chưa có phiên dịch sang Tiếng Việt, tuy nhiên cũng không sao vì hầu hết chúng ta đều phải dùng tiếng Anh từ xưa đến nay cả mà. Nếu bạn đã có một tài khoản Google Analytics thì việc thiết lập GTM sẽ rất dễ dàng bằng cách đăng nhập vào tài khoản Gmail và bắt đầu thiết lập Tag.
Đầu tiên, bạn cần tạo tài khoản GTM, các bạn truy cập vào liên kết tại đây.
Sau khi điền xong tên tài khoản, bạn chọn Continue rồi đặt tên cho vùng chứa dữ liệu đầu tiên của bạn. Và cuối cùng của bước này đó là bạn cần chọn tính năng bạn muốn sử dụng là Web, IOS, Androi hay AMP rồi click vào Create rồi đồng ý với điều khoản dịch vụ là được.
Tiếp theo, Google Tag Manager cung cấp cho chúng ta 2 đoạn code, đoạn đầu tiên cần thêm vào ngay sau thẻ <head>, đoạn code thứ 2 thêm vào ngay sau thẻ <body>.
Đối với các bạn sử dụng Blogspot, các bạn đọc bài viết Hướng dẫn cài đặt mã Pixel Facebook quảng cáo cho Blogspot của tôi và làm tương tự như bài viết đó sẽ lưu được code, nếu không sẽ bị báo lỗi nhé.
2 đoạn code mà Google Tag Manager cung cấp sẽ được đặt trên mọi website của bạn chứ không phải mỗi web sẽ được cấp một mã mới nhé.
Google cảnh báo người dùng rằng không nên đặt 2 đoạn code của họ trong một iframe ẩn hoặc sử dụng mã theo dõi của họ cùng với các đoạn mã theo dõi của nhà cung cấp khác nó có thể gây nên vấn đề mâu thuẫn code trên website của bạn.
Sau khi thêm code do GTM cung cấp vào website của bạn, bây giờ mọi việc đã sẵn sàng.
Khi hộp chứa dữ liệu của bạn phát triển theo thời gian, nó có thể gây nên sự khó khăn cho bạn trong việc quản lý tất cả các Tag. GTM cho phép bạn tạo các Folders để giúp bạn tổ chức việc theo dõi dữ liệu dễ dàng hơn. Với các Folders, bạn có thể sắp xếp các Tag của mình theo nhóm để dễ dàng cập nhật và quản lý nếu cần.
Để tạo Folders các bạn click vào Folders ở cuối cùng bảng điều khiển bên tay trái như hình dưới là được.
Cài đặt Triggers và Variables:
Tag được thực hiện, người dùng tải trang web của bạn hoặc có bất kỳ tương tác nào xảy ra với website.
Trong Trình quản lý thẻ của Google, bạn xác định quá trình kích hoạt với Tag để nói với GTM khi một Tag sẽ kích hoạt.
Đầu tiên, bạn chọn Triggers => New, tại Untitled Trigger bạn đặt tên cho mục đích theo dõi của bạn, rồi click vào vòng tròn có cái mắt xích ở chính giữa màn hình đó, nó sẽ hiện ra nhiều kiểu theo dõi cho bạn lựa chọn như Lượt xem trang, Nhấp chuột, vấn đề khác,... Công việc cuối cùng chỉ là lựa chọn một vấn đề bạn muốn theo dõi và lưu lại.
Sau khi chọn xong loại dữ liệu bạn muốn theo dõi, hãy nhớ Publish để xuất bản. Mọi thay đổi của bạn sẽ không có hiệu quả cho đến khi bạn chọn Publish!
Tìm hiểu thêm về các tính năng chuyên sâu của Google Tag Manager:
Để tìm hiểu thêm về các tính năng phân tích chuyên nghiệp, sâu hơn nữa của Google Tag Manager các bạn truy cập vào Trung tâm trợ giúp của Trình quản lý thẻ của Google để tìm hiểu nhé.
Để tìm hiểu về Trình kích hoạt sử dụng thế nào các bạn xem bài viết sau: https://support.google.com/tagmanager/answer/6106961
Với một chút học hỏi và thực hành, bạn sẽ thấy rằng Trình quản lý mã theo dõi của Google sử dụng sẽ dễ dàng hơn và hiệu quả hơn. Chúc các bạn may mắn!
Copy vui lòng ghi nguồn bài viết LuuAnh.com. Xin cảm ơn.
Không có nhận xét nào :